Nvidia và Hội chứng ‘Guồng quay hạnh phúc: Lợi nhuận tăng 109% nhưng cổ phiếu vẫn giảm, hậu quả từ việc soán ngôi vương của Apple

Câu chuyện của Nvidia là bài học kinh điển trong khoa học khi chứng minh "Tiền không thể mua được hạnh phúc".

Tờ New York Times (NYT) cho hay doanh thu quý III/2024 của Nvidia đã vượt mức kỳ vọng của nhà đầu tư nhưng cổ phiếu vẫn giảm 2,5% trong phiên 20/11/2024.

Nguyên nhân chính được cho là Hội chứng ‘Guồng quay hạnh phúc’ (Hedonic Treadmill) khi nhà đầu tư đã quá quen với chuỗi ngày dài tăng điểm khiến kỳ vọng leo thang. Hậu quả là Phố Wall cần kết quả ngày càng tốt vượt mức kỳ vọng thì mới thỏa mãn được cảm xúc như lúc ban đầu.

Cái giá của 2,5 nghìn tỷ USD

Doanh thu quý III của Nvidia đã tăng 94% so với cùng kỳ năm trước lên 35,08 tỷ USD còn lợi nhuận tăng 109% lên 19,3 tỷ USD, cao hơn cả Amazon và Meta (Facebook). Nhu cầu cho sản phẩm chip mới Blackwell cũng được dự đoán là cung không đủ cầu cho đến tận năm tài khóa 2026.

Trong quý IV/2024, Nvidia dự đoán hãng sẽ đạt doanh thu 37,5 tỷ USD, vượt mức kỳ vọng của Phố Wall.

Nvidia và Hội chứng ‘Guồng quay hạnh phúc: Lợi nhuận tăng 109% nhưng cổ phiếu vẫn giảm, hậu quả từ việc soán ngôi vương của Apple- Ảnh 1.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, các nhà đầu tư hiện chỉ chăm chú đến tốc độ tăng trưởng doanh số của Nvidia có cao hơn so với hiệu suất trước đây hay không mà chẳng để ý nhiều đến việc các chỉ số có vượt kỳ vọng hay không nữa.

Mặc dù doanh thu quý III của Nvidia đạt 94% nhưng tốc độ này chậm hơn so với 3 quý trước đó khi mức tăng lần lượt là 122%, 262% và 265%.

Thậm chí việc Nvidia dự đoán mức tăng trưởng 70% cho quý IV cũng khiến nhà đầu tư thất vọng vì dù có tăng trưởng nhưng thấp hơn so với mức 94% của quý III.

Giáo sư tài chính Aswath Damodaran tại Trường Đại học New York nhận định nhà đầu tư đang chai sạn với kết quả kinh doanh tốt của Nvidia sau chuỗi ngày dài bùng nổ, nghĩa là giờ đây doanh thu không chỉ phải tăng vượt mức kỳ vọng mà còn phải cao hơn quý trước đó.

Trong năm qua, Nvidia đã tăng giá trị vốn hóa thêm 2,5 nghìn tỷ USD, qua đó vượt Apple để trở thành tập đoàn công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên nhà đầu tư cũng bắt đầu đặt câu hỏi liệu Nvidia có thể duy trì được vị thế này trong bao lâu khi không thể giữ mãi được đà tăng trưởng nóng như ban đầu.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu cơn sốt trí thông minh nhân tạo có thể bùng nổ đến bao giờ khi hầu hết các dự án trong mảng này vẫn chưa đem về lợi nhuận.

Các tập đoàn từ Nvidia đến Microsoft, Google hay Meta đã đổ hàng tỷ USD cho mảng này nhưng ngoài những hãng cung ứng chip như Nvidia thì chưa có tập đoàn nào thu hồi được lợi ích trực tiếp từ AI.

Với việc thống trị đến 90% thị phần chip bán dẫn cho AI, tập đoàn Nvidia đang dẫn đầu thị trường nhờ lợi thế đi trước sau nhiều năm phát triển mảng này so với Intel, TSMC.

Nvidia và Hội chứng ‘Guồng quay hạnh phúc: Lợi nhuận tăng 109% nhưng cổ phiếu vẫn giảm, hậu quả từ việc soán ngôi vương của Apple- Ảnh 2.

Tuy nhiên hãng cũng đang phải đối mặt với cuộc điều tra tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc về hoạt động kinh doanh của mình.

Việc nắm trong tay một khâu quan trọng của ngành chip bán dẫn AI khiến Nvidia trở thành "cái gai trong mắt" của nhiều chính phủ.

Tiền không mua được hạnh phúc

Quay trở lại Hội chứng "Guồng quay hạnh phúc" (Hedonic Treadmill), đôi khi còn được gọi là hiệu ứng thích nghi với hạnh phúc (Hedonic Adaptation), là khái niệm cho rằng chúng ta sẽ duy trì những mức độ hạnh phúc tương đối ổn định bất kể các sự kiện chúng ta gặp phải là tích cực hay tiêu cực.

Nói đơn giản hơn là con người có xu hướng tìm kiếm trở lại mức hạnh phúc ban đầu, bất chấp những thăng trầm của cuộc sống.

Khái niệm này được hai nhà tâm lý học P. Brickman và D. Campbell đặt ra vào năm 1971.

Tính từ "Hedonic" liên quan việc liên tục theo đuổi niềm vui và thường được gắn với những niềm hạnh phúc tạm thời như mua sắm. Ban đầu việc mua sắm mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc, nhưng sau đó sẽ mất dần theo thời gian.

Từ "Treadmill" thì được dùng để ám chỉ một tình huống nhàm chán, lặp đi lặp lại một cách khó chịu và không có lợi ích lâu dài.

Hội chứng này thể hiện một nghịch lý cơ bản trong cuộc sống, đó là hạnh phúc chỉ mang tính nhất thời. Đôi khi con người sẽ ở đỉnh cao của hạnh phúc nhưng điều này chỉ là tạm thời bất chấp những điều tốt đẹp có thể xảy ra thường xuyên hay định kỳ.

Bởi vậy các nhà khoa học cho rằng mức độ hạnh phúc không phụ thuộc vào những điều kiện khách quan mà phụ thuộc vào sự mong đợi của chính chúng ta. Sự kỳ vọng có xu hướng thích ứng với điều kiện cuộc sống. Khi cuộc sống được cải thiện, kỳ vọng cũng tăng lên. Kết quả là chúng ta không bao giờ hài lòng về những thứ đang có.

Nvidia và Hội chứng ‘Guồng quay hạnh phúc: Lợi nhuận tăng 109% nhưng cổ phiếu vẫn giảm, hậu quả từ việc soán ngôi vương của Apple- Ảnh 3.

Do đó nếu hiểu theo khái niệm này, tiền sẽ không thể mua được hạnh phúc bởi nếu càng giàu, ham muốn càng tăng lên và chẳng bao giờ con người hài lòng với cuộc sống thực tại.

Điều này cũng đúng với mọi thú vui, kỹ năng, tình yêu hay thử thách trong cuộc sống, con người sẽ nhanh buồn chán sau khi đạt được mục đích, cảm giác phấn khích sẽ qua đi.

Hậu quả là con người sẽ dễ mắc vào vòng quay hạnh phúc khi không bao giờ thấy đủ, luôn thiếu thốn tiền bạc, tình yêu, danh vọng, sự thành công... để rồi quên đi mất phân tích thực tại.

Đây chính là điều mà nhà đầu tư Nvidia đang mắc phải khi kỳ vọng quá cao vào một công ty không thể có tăng trưởng bùng nổ mãi mãi như lúc ban đầu.

*Nguồn: NYT

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/nvidia-va-hoi-chung-guong-quay-hanh-phuc-loi-nhuan-tang-109-nhung-co-phieu-van-giam-hau-qua-tu-viec-soan-ngoi-vuong-cua-apple-a140382.html