Làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt trên sàn
Ông Trần Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido kiêm CEO kênh thương mại điện tử E2E - Ảnh: HỮU HẠNH
"Chúng tôi tham gia vào thương mại điện tử không phải để cung cấp dịch vụ hay chỉ tập trung bán sản phẩm riêng. Chúng tôi định hướng xây dựng một kênh phân phối toàn diện, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm khác nhau, từ thương hiệu của Kido đến các đối tác", ông Bảo chia sẻ trong phần thảo luận.
Định hướng này của Kido không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận người tiêu dùng, mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ thống phân phối bán hàng của sản phẩm.
Một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược phát triển thương mại điện tử của Kido là tận dụng sức mạnh của KOL (Key Opinion Leaders) và KOC (Key Opinion Consumers). Theo ông Bảo, đây là những lực lượng lao động mới có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời đại số.
"Mạng xã hội và thương mại điện tử đang định hình nên một nhóm lao động mới - những người có ảnh hưởng lớn. Họ không chỉ mang đến các sản phẩm chất lượng, mà còn tạo giá trị thực sự cho xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu và cần được công nhận", ông Bảo khẳng định.
Ông cũng chỉ ra rằng tại các quốc gia phát triển như Trung Quốc, khái niệm "công nhân livestream" đã xuất hiện. Các doanh nghiệp thậm chí thiết lập các "nhà máy livestream" với hàng ngàn phòng và vận hành theo ca, giống như một dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc lực lượng này đã tạo ra giá trị kinh tế đáng kể.
Thực tế, livestream không chỉ là phương tiện tiếp thị mà đã trở thành một công cụ phân phối hiệu quả. Kido đang tận dụng xu hướng này để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt và nội dung tương tác trực tiếp.
"Việc công nhận livestream như một lực lượng lao động chính thức không chỉ khích lệ cá nhân tham gia mà còn tạo động lực để ngành công nghiệp thương mại điện tử phát triển hơn nữa", ông Bảo cho biết.
Doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế kiểm soát chất lượng, ngôn ngữ
Diệp Lê (32 tuổi), một KOL nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế hiện nay với những phiên livestream đem lại doanh thu triệu đô, chia sẻ trước đây cô kinh doanh cửa hàng thời trang, nhưng sau dịch phải đóng cửa và chuyển sang làm KOL truyền cảm hứng trên mạng xã hội. Hiện Diệp Lê đang cùng chồng điều hành một công ty đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện trên sàn thương mại điện tử.
Diệp Lê chia sẻ: "Tôi có đi Trung Quốc và Hàn Quốc để xem một số doanh nghiệp ở đây thực hiện livestream như thế nào để có thể bán những đơn hàng khủng, cũng như tìm hiểu các cách thức hỗ trợ doanh nghiệp nước sở tại bán hàng xuyên biên giới. Tôi thấy rằng không có một công thức chung nào cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc hay Hàn Quốc khi bán hàng ra thế giới. Và tôi tin Việt Nam mình cũng như thế".
Sau khi đồng hành cùng nhiều sàn thương mại điện tử để thực hiện các phiên livestream lớn, KOL nổi tiếng này cho rằng: "Vấn đề cần giải quyết khó nhất hiện nay với các đơn hàng quốc tế là cách kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, thế mạnh của hàng Việt Nam là có thể kiểm soát chất lượng đơn hàng".
Bên cạnh đó, theo Diệp Lê, doanh nghiệp Việt không bị rào cản ngôn ngữ nên đội ngũ chăm sóc khách hàng sẽ hoạt động thuận lợi hơn qua những chiến dịch hậu mãi của mình. Doanh nghiệp Việt cũng sẽ hiểu người tiêu dùng Việt hơn để có thể hoàn thành đơn hàng, có trải nghiệm đầy đủ từ livestream lúc bán hàng cho đến khi người tiêu dùng cầm được món hàng trên tay. "Đó là lợi thế mà tôi thấy hiện tại doanh nghiệp trong nước mình có thể làm được trong giai đoạn này", Diệp Lê chia sẻ.
Doanh nghiệp phải tự chuyển mình để bắt kịp xu hướng
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty Meet More - một trong những đơn vị tiên phong đưa nông sản Việt chế biến sâu ra thế giới, đã có những chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu Việt và những bài học rút ra trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển.
Với các doanh nghiệp, đây là hình thức mới, do đó bản thân ông cũng không ngừng học hỏi từ thị trường trong và ngoài nước. Trong hành trình này, ông từng đi học livestream và làm nội dung cùng các bạn trẻ Gen Z để tìm ra công thức riêng phù hợp với doanh nghiệp của mình.
Doanh nghiệp cũng tự tổ chức các phiên livestream giới thiệu sản phẩm OCOP từ Cần Giờ đến chợ Bến Thành và thông qua các chương trình giúp doanh nghiệp Việt thử nghiệm và thích nghi với xu hướng thương mại điện tử.
Ông Luận nhấn mạnh việc sử dụng thương hiệu OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là một bước tiến quan trọng để nâng tầm hàng Việt. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, và 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế.
"Tôi cho rằng lấy thương hiệu OCOP làm trọng tâm là một cách tiếp cận đúng đắn. Thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh. Đây là chìa khóa để thành công, nhất là trên các sàn thương mại điện tử", ông nói.
Nhìn sang Trung Quốc, ông Luận nhận thấy quốc gia này đã tạo ra các "nhà máy livestream", nơi hàng nghìn phòng vận hành chuyên nghiệp theo mô hình dây chuyền. Đây là bài học quan trọng cho Việt Nam khi muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng lực lượng livestream chuyên nghiệp hơn.
"Người dân và tiểu thương Trung Quốc rất rõ ràng về cách làm thương mại điện tử. Chỉ cần một kênh mới ra mắt, họ đã biết cách tận dụng và phát triển. Còn ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ, chưa thực sự hiểu bản chất", ông Luận phân tích.
"Tôi nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu rõ cách khai thác thương mại điện tử. Đơn cử tại các buổi livestream, không ít doanh nghiệp chưa biết cách thiết lập giỏ hàng hay thu hút khách hàng hiệu quả. Thực tế, chúng ta cần thay đổi tư duy, học hỏi và xây dựng một nền tảng chuyên nghiệp hơn", ông Luận thẳng thắn.
Dù còn nhiều thách thức, ông Luận tin rằng thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng lớn nếu doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như OCOP và học hỏi từ quốc tế. Ông cũng khuyến nghị cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các tổ chức và chính phủ để thúc đẩy hàng Việt vươn xa hơn.
Công nghệ giúp vượt qua rào cản để bán hàng xuyên quốc gia
Theo ông Nguyễn Minh Hùng - phó phòng quản lý thường mại Sở Công Thương TP.HCM, Việt Nam là đất nước xuất khẩu, việc phát triển hạ tầng logistics là rất cần thiết; vị trí địa lý lại quan trọng, có đường biển có lợi thế để phát triển rất lớn.
Tại sao chúng ta đặt một đơn hàng chỉ trong 2 ngày từ Trung Quốc đến Việt Nam? Tôi thử đặt đơn hàng xuyên Trung Quốc và theo dõi chỉ mất nửa giờ để đóng gói, mất 2 tiếng để thông quan và ngay hôm sau là bắt đầu giao cho mình.
Nói vậy để thấy logistics là rất quan trọng. Bên cạnh những dự án lớn phải làm thì những kho chuyên biệt phải được đầu tư mạnh hơn để giúp chúng ta chuyên sâu, tùy chỉnh hỗ trợ tốt cho xuất khẩu xuyên biên giới. Trong tổng kim nghạch xuất khẩu của Trung Quốc, những kiện hàng nhỏ xuất khẩu xuyên biên giới chiếm hơn 10%.
Khi các nền tảng thương mại điện tử vào Việt Nam, chúng ta nhìn thấy nhiều thách thức, chúng ta thấy "hàng nhiều quá chúng tôi cạnh tranh không lại", đối với người tiêu dùng thì lo bảo mật thông tin...
Nhưng chúng ta nhìn thấy cơ hội. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng hơn 20 tỉ USD, toàn thế giới thì quy mô còn lớn nữa, vấn đề là làm sao tận dụng thị trường này.
Dù mua bán bằng công nghệ đi chăng nữa thì vẫn phải giao nhận, nên logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải nhanh chóng thích ứng và xem công nghệ là chiến lược bán hàng, kênh phân phối mới.
Công nghệ giúp chúng ta vượt qua rào cản ngôn ngữ. Một người ngồi một chỗ có thể livestream đến 40 quốc gia, với 40 ngôn ngữ, giọng điệu rất địa phương. Do đó, nếu chúng ta tận dụng tốt công nghệ sẽ dễ giành thắng lợi.
5 từ khóa để tăng cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử
Các diễn giả đã đề xuất 5 từ khóa mà doanh nghiệp Việt cần phải nắm bắt để tăng sức cạnh tranh trên nền tảng thương mại điện tử.
KOC Diệp Lê chọn từ khóa "truyền tải thông tin". Theo cô, những người bán hàng KOC/KOL đều mong muốn trở thành cánh tay nối dài, tiếp sức cho hàng Việt. Tuy nhiên, câu chuyện khó nhất vẫn là truyền tải thông tin, người bán cũng muốn biết cần bao nhiêu ngày thì càng đến người mua, nhà sản xuất có những thế mạnh riêng với sản phẩm gì? Và nếu kết nối tốt thì trải nghiệm mua hàng sẽ liền mạch hơn.
Ông Minh Đức chọn từ khóa "quyết tâm". Theo đại diện VECOM, để theo đuổi bán hàng online, các doanh nghiệp phải có sự quyết tâm. Bởi hàng Việt hiện nay đã được tiếp sức rất nhiều, họ muốn bán hàng livestream hay bán hàng ra nước ngoài đều có người sẵn sàng hỗ trợ. "Phần còn lại chủ yếu là do những xử lý nội bộ trong chính các doanh nghiệp chưa tốt để có thể quản lý và bán hàng", ông Đức nói.
Ông Minh Hùng của Sở Công Thương TP.HCM chọn từ khóa "thích ứng". Thế giới thay đổi nhanh và các doanh nghiệp chỉ cần ngủ quên sẽ khó theo kịp. Doanh nghiệp Việt cần xem bán hàng trực tuyến là bắt buộc, phải thích ứng. Các doanh nghiệp cũng cần trong tâm thế: bây giờ livestream đang là xu hướng nhưng trong tương lai hình thức này cũng có thể bị thay thế bằng hình thức khác.
Ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS), cho rằng từ khóa của thương mại điện tử hàng Việt là "logistics". Theo ông Trung, logistics chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại dù ở ngay trên sân nhà.
Cụ thể, nhờ nắm bắt được các xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam nên phía Trung Quốc có thể xây dựng các kho sát biên giới Việt Nam. Cũng nhờ nắm bắt được xu hướng nên phía Trung Quốc có thể gom hàng tới một địa điểm gần với khu vực tiêu thụ nhiều nhất. Nhờ đó, tốc độ giao hàng được thực hiện một cách nhanh nhất.
Theo ông Trần Quốc Bảo - phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, cần có chỉ dẫn cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử. Chỉ dẫn này vừa xác thực gian hàng chính hãng, vừa còn là logo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Những chỉ dẫn về hiểu biết sẽ giúp các doanh nghiệp Việt dễ dàng lên sàn và phát triển. Thứ nhất là những chỉ dẫn về tập khách hàng cụ thể cho thương mại điện tử. Thứ hai là giúp các bên thực hiện đúng khái niệm M2C là từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Thứ ba là tính thống nhất cao giữa các bên liên quan như nhà quản lý, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử.
Đẩy mạnh chuyển đổi số cho tạp hóa, quầy sạp
Nhiều ý kiến hữu ích đã được chia sẻ tại hội thảo, với mong muốn hàng Việt tăng sức mạnh cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử - Ảnh: HỮU HẠNH
Ông Nguyễn Minh Hùng - phó phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM - cho rằng lợi thế chúng ta đang có là hệ thống phân phối truyền thống, tạp hóa với mạng lưới có sẵn nhân công và nguồn hàng có.
TP.HCM có hơn 40.000 cửa hàng tạp hóa được trang bị đầy đủ, chuẩn hóa nguồn hàng... nếu tất cả chuyển đổi số thì đủ sức tạo thành mạng lưới phân phối lớn cho hàng Việt, thương nhân đủ sức sống với hàng Việt.
Ở Trung Quốc, hầu hết các sạp ở chợ đều có mã QR, khách quét lên thì đó đều là cửa hàng trực tuyến... việc đa dạng kênh bán giúp cải thiện doanh số rất tốt. Chẳng hạn chúng ta mua hàng ở chợ tại Trung Quốc giờ muốn mua thêm quét QR của sản phẩm là có trên trang Alibaba.
Với một mạng lưới cửa hàng hệ thống tạp hóa, nếu có sự đồng lòng của sàn thương mại điện tử, đơn vị logistics, phân phối... thì việc cải tạo cửa hàng tạp hóa, sạp chợ truyền thống theo hướng "quầy hàng công nghệ" hoàn toàn khả thi.
Ông Lý Đại Lâm, đại diện cửa hàng Cà Ri Anh Hai (chợ Bến Thành), nhìn nhận hàng hóa Trung Quốc rất đa dạng và nắm bắt thị hiếu của người Việt rất tận tường. Nhờ vậy, sức cạnh tranh của mặt hàng Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử là rất cao và được người tiêu dùng dễ dàng đón nhận.
Trước xu hướng bán hàng mới, ông Lâm đề xuất nên thường xuyên có những buổi tập huấn cho tiểu thương chợ truyền thống, giúp họ tiếp cận được thông tin trên sàn thương mại điện tử.
Thứ hai là câu chuyện thuế. "Cần có chính sách hỗ trợ tài chính như giảm thuế cho tiểu thương tham gia thương mại điện tử", ông Lâm đề xuất.
Ông Lê Mai Hữu Lâm - tổng giám đốc Công ty thiết bị điện Cát Vạn Lợi - cho rằng xu hướng bán hàng trực tuyến phải thích ứng, chứ không thể chống lại và phải nâng cấp bản thân không ngừng.
Đứng trong vai doanh nghiệp sản xuất và bán hàng quốc tế qua nền tảng điện tử, ông nhấn mạnh không nên đợi chính sách, mà phải "tự cứu mình trước". Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp là phải chủ động nâng cao tư duy nội lực và năng lực của mình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt thường yếu chiến lược tiếp thị, làm thường sơ sài, đội ngũ nhân sự bài bản cho khâu này cũng rất thiếu.
Phải hiểu thị hiếu của khách hàng thì mới marketing tốt. Chính vì vậy hiệp hội, nhà trường cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cấp góc nhìn về năng lực marketing để không chỉ làm tốt thị trường trong nước mà còn quốc tế.
"Nếu học trong trường thôi thì không đủ, mà phải thực chiến. Cần người thầy cập nhật kiến thức thực tế. Để nâng cấp cho bản thân, tôi phải tầm sư học đạo rất nhiều. Chúng tôi phải tự triển khai, chứ không có nguồn lực để thuê bên ngoài. Marketing quyết định đội ngũ bán hàng và là lực lượng vạch đường đi cho đội ngũ bán hàng", ông Lâm nói.
"Có sáng kiến, giải pháp khả thi, hãy trao đổi Sở Công Thương"
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, những nội dung như thương mại điện tử, logistics mà hội thảo trao đổi là những lĩnh vực lớn mà TP giao cho ngành công thương nghiên cứu, xây dựng đề án, thúc đẩy...
Để tiếp sức hàng Việt, cần nhiều khâu từ quảng bá, cạnh tranh bình đẳng, thương mại điện tử tốt, bảo hộ... Nhưng lấy đâu ra cái đó, ai sẽ làm cho chúng ta? Nếu chúng ta chờ ngon lành để chơi thì chỉ có trong mơ, phải tự cứu mình, tương lai do mình. Ra chơi thế giới đòi bình đẳng thì rất khó. Cách tốt nhất tìm cái gì dễ làm trước.
Năm 2023, TP tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu được 250 gian hàng, năm 2024 nhân lên 450 gian, và mục tiêu năm 2025 nhân lên 1.000 gian.
"Từng đơn vị, doanh nghiệp thấy có sáng kiến, giải pháp nào có tính khả thi cao thì trao đổi với chúng tôi, chúng tôi cam kết sẵn sàng hỗ trợ, báo cáo TP cho chủ trương thực hiện. Cùng ngồi lại để chọn giải pháp tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút họ tham gia vào, nhân rộng nhanh. Chúng ta lo lắng, áp lực nhưng không hành động thì khó khăn sẽ còn tiếp diễn".
Kinh doanh online phải lựa chọn sản phẩm phù hợp
Anh Lê Sĩ Dũng, chủ shop Shoptido Mỹ phẩm chính hãng, hiện là Shopee KOL Seller - người bán kinh nghiệm của Shopee tại TP.HCM, đã chia sẻ nhiều góc nhìn thực tế từ quá trình kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
"Khi bắt đầu kinh doanh online, chúng tôi nhận ra rằng trong nhiều trường hợp, chi phí marketing đôi khi còn vượt cả doanh thu trong giai đoạn đầu. Đây là thực tế mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi bước vào thị trường thương mại điện tử - nơi không chỉ cạnh tranh mà còn đòi hỏi sự đầu tư bài bản về mặt hình ảnh, nội dung, và quảng bá", anh Dũng cho biết.
Anh cũng nhấn mạnh chi phí dành cho marketing trên các nền tảng trực tuyến thường chiếm tỉ lệ cao, khoảng 45-50% doanh thu. Các chi phí này bao gồm chi phí quảng cáo trên Facebook, TikTok, sản xuất video, chạy chiến dịch khuyến mãi và tạo các chương trình ưu đãi sản phẩm.
Bên cạnh chi phí marketing, người bán hàng trên sàn thương mại điện tử như Shopee hay TikTok Shop còn phải chịu mức phí sàn cơ bản dao động từ 15-18%. Đây chỉ là phần chi phí cố định, chưa kể các khoản bổ sung để tối ưu hóa hiệu quả bán hàng.
"Để bán được sản phẩm trên các sàn, chúng ta phải làm nhiều việc hơn so với kinh doanh truyền thống. Từ việc tổ chức livestream, tạo hàng mẫu, đến xây dựng các nội dung quảng cáo hấp dẫn - tất cả đều đòi hỏi thời gian và nguồn lực", anh Dũng chia sẻ.
So sánh với kinh doanh offline, anh Dũng cho rằng kinh doanh truyền thống thường chỉ cần tập trung vào việc nhập hàng và quảng bá tại điểm bán. Ngược lại, kinh doanh online đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa chi phí đầu tư và lợi nhuận thu về.
"Chúng ta cần đánh giá xem sản phẩm mình đang kinh doanh có phù hợp với môi trường online hay không, và liệu chi phí có thể cân đối được để đảm bảo lợi nhuận. Nếu không tính toán kỹ, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có thể trở thành một 'sa mạc tử'", anh cảnh báo.
Từ kinh nghiệm thực tế, anh Dũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh online là phải lựa chọn sản phẩm phù hợp. Chỉ nên kinh doanh những sản phẩm có tiềm năng thu hút khách hàng trên nền tảng số. Thứ hai, phải tối ưu chi phí marketing, tập trung vào các chiến lược quảng cáo hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách. Cuối cùng là phải biết tận dụng công nghệ và dữ liệu, phân tích hành vi khách hàng để điều chỉnh chiến lược phù hợp.
"Thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về chi phí và sự đổi mới. Do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn, linh hoạt để đạt được thành công", anh Dũng gợi ý.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/tang-suc-canh-tranh-cho-hang-viet-tren-san-thuong-mai-dien-tu-a140257.html