Bán hết tài sản để khởi nghiệp ở sa mạc
Thư Phương sinh ra trong một gia đình nông thôn bình thường ở huyện Tĩnh Nguyên, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Từ nhỏ, cô đã sống độc lập và có trách nhiệm. Sau khi kết hôn, Thư Phương cùng chồng mở cửa hàng bán đồ gia dụng ở thị trấn. Là người đầu tiên khai thác lĩnh vực này ở địa phương, công việc kinh doanh của gia đình Thư Phương đạt thăng tiến nhanh chóng.
Bước sang những năm đầu của thế kỷ 21, công nghệ ngày càng phát triển, đồ gia dụng được phát triển nhanh chóng dẫn đến kinh doanh trong ngành nghề này có nhiều cạnh tranh. Điều này kết hợp với các yếu tố khác đã khiến công việc kinh doanh của gia đình Thư Phương ngày càng sa sút.
Khi đó, Thư Phương không loay hoay mà tích cực tìm kiếm hướng đi mới. Tình cờ lúc đó, chính phủ Trung Quốc khuyến khích sự phát triển của các khu vực phía Tây đất nước. Sau khi nhận được nhiều sự hỗ trợ và trợ cấp ưu đãi của chính phủ, Thư Phương ngay lập tức chọn bắt đầu kinh doanh ở sa mạc Gobi.
Tuy nhiên, quyết định này đã bị gia đình cô đồng loạt phản đối. Đối mặt với sự không hiểu của chồng và mẹ, Thư Phương vẫn kiên quyết giữ vững quan điểm.
Sau khi khảo sát nhiều nơi, cuối cùng cô tìm được nơi khởi nghiệp là huyện Cảnh Đài. Nơi này được ví như một lòng chảo, với địa thế là xung quanh nhiều cồn cát cao, ở giữa địa hình thấp bằng phẳng. Nhìn thấy một nơi như vậy, Thư Phương lập tức đã bán hết cửa hàng gia dụng, đổi lấy 10 triệu NDT (~35 tỷ đồng) để mua hết 15.000 mẫu đất.
Thấy Thư Phương đã trả tiền, từ phản đối ban đầu thì gia đình cô đã chuyển thái độ, bắt đầu tích cực giúp đỡ cô biến vùng đất hoang vu thành mảnh đất hút tiền. Thư Phương vốn ngỡ rằng kế hoạch đã tròn vẹn. Nhưng cô không ngờ rằng chỉ việc xây dựng cơ sở hạ tầng sớm đã khiến cô muốn bỏ cuộc. Thư Phương dự định trồng cây thương mại ở sa mạc Gobi. Kiếm tiền thông qua việc trồng trọt là niềm khao khát sâu xa của mỗi đứa trẻ xuất thân từ vùng quê như Thư Phương. Nhưng khi tiến hành trồng trọt ở sa mạc Gobi, thách thức lớn nhất chính là tìm kiếm nguồn nước.
May mắn thay, mảnh đất mà Thư Phương mua chỉ cách con kênh 13 km. Chỉ cần chuyển được dòng nước thì không cần lo lắng về việc biến vùng đất hoang thành ốc đảo. Dưới sự tư vấn của chuyên gia, Thư Phương quyết định đặt đường ống để chuyển hướng dòng nước.
Việc lắp đặt 13 km đường ống đòi hỏi rất nhiều nhân lực và vật lực. Trắc trở lớn nhất là khí hậu ở sa mạc thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, nên để đường ống không bị đóng băng và nứt do thời tiết cực lạnh, đường ống cần được chôn sâu 2m dưới lòng đất.
Để thành công lắp đặt đường ống, Thư Phương và các công nhân hàng ngày bận rộn làm việc ở sa mạc Gobi. Riêng với Thư Phương, cô thường đến công trường lúc 7-8h sáng, kết thúc giờ làm việc vào 8-9h tối.
Công trường bao quanh bởi địa hình sa mạc, không có chỗ đặt bếp để nấu ăn nên để tiết kiệm thời gian, họ mang theo thức ăn khô và nước.
Khó khăn chồng chất nhưng may mắn là sau khoảng 1 năm công trường đi vào hoạt động, sa mạc Gobi vốn khô hạn lại đón nhận nhiều cơn mưa liên tiếp. Để kịp tiến độ thi công, công nhân nằm trú mưa ngay trong đường ống. Khi mưa tạnh, họ lại tiếp tục làm việc. Có khi trời mưa to, họ phải nằm cả tiếng đồng hồ trong đường ống dẫn đến lúc ra ngoài, toàn thân đều cứng đờ.
Sau khi hệ thống đường ống được hoàn thành, do địa hình cao của sa mạc Gobi, một trạm bơm nước lại được xây dựng để chuyển hướng nước một cách thuận lợi. Điều này dẫn đến khối lượng công việc hàng ngày của họ lại tăng lên.
Trong 40 ngày sau, cuối cùng tất cả công trình dẫn nước đã hoàn thành.
Tìm kiếm hướng đi
Sau khi giải quyết xong những vấn đề cơ bản, Thư Phương bắt đầu tính toán bản thân muốn trồng cây gì.
Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia và đọc thêm sách, Thư Phương quyết định trồng cây Xanthoceras sorbifolium ở đây. Loại quả này vốn thích hợp trồng ở sa mạc Gobi và không có yêu cầu cao về môi trường sinh trưởng. Quan trọng nhất là quả có thể ép lấy tinh dầu, rất tốt với người già mắc bệnh tim bạch.
Khảo sát giá cả trên thị trường, Thư Phương nhận thấy một cân Xanthoceras sorbifolium có giá hơn 200 NDT (~700 ngàn đồng). Ngạc nhiên trước mức giá cao đến vậy, Thư Quyết càng quyết tâm trồng giống cây này.
Tuy nhiên, Xanthoceras sorbifolium chỉ thu hoạch được 1 lần trong 4 năm. Vì vậy, cô đã trồng thêm giống cây cam thảo trên hơn 50 mẫu đất, để tạo ra dòng tiền mới. Cam thảo là một loại thảo dược có khả năng thích ứng mạnh, thu hoạch được chỉ sau 2 năm.
Vốn mang tâm thế tự tin nhưng sau 2 năm, gia đình Thư Phương chỉ nhận về những rễ cây cam thảo khô héo. Thất bại này khiến Thư Phương tỉnh táo, cuối cùng nhận ra rằng không phải công việc kinh doanh nào cũng có thể tiến hành suôn sẻ.
Đúng lúc này, cô nhận được tin có người đã thực sự trồng thành công cây cam thảo ở sa mạc Gobi. Để giải toả sự nghi ngờ trong lòng, cô đã tìm đến họ để xin lời khuyên. Sau khi được nghe chia sẻ công thức, cô đã vay 1 triệu NDT (3,5 tỷ đồng) từ người thân, bạn bè để tiếp tục trồng cam thảo. Ở lần gieo trồng này, Thư Phương luôn theo sát quá trình sinh trưởng của cam thảo, đọc nhiều tài liệu về giống cây này bất kỳ có thời gian rảnh.
Công sức bỏ ra được đền đáp. Hai năm sau, sản lương của mỗi mẫu cam thảo là 900kg. Thư Phương đã gặt hái được mùa bội thu. Sau khi liên hệ với nhà sản xuất, Thư Phương đã thương lượng được giá bán 4,5 NDT/kg cam thảo (~15 ngàn đồng), tức cô thu về 4.000 NDT cho một mẫu đất (14 triệu đồng). Chỉ riêng thu nhập từ cam thảo đã giúp Thu Phương thu lãi rất nhiều.
Ngoài ra vào thời điểm này, Xanthoceras sorbifolium cũng đến mùa thu hoạch. Sau khi chế biến, dầu nguyên chất từ cây này đã mang về lãi lớn hơn cho Thư Phương.
Đổ mồ hôi và tiền bạc để thu về quả ngọt
Khi có nguồn vốn lớn trong tay, Thư Phương quyết định mở rộng quy mô sản xuất cam thảo. Ngoài quy mô trồng trọt ban đầu, cô đã đầu tư số tiền lớn để ký hợp đồng mua thêm 40.000 mẫu đất hoang để trồng cam thảo. Để tăng lợi nhuận, Thư Phương thậm chí còn xây dựng 1 nhà máy chế biến cam thảo.
Tuy nhiên, việc trồng cam thảo quy mô lớn cũng nảy sinh những vấn đề mới. Do việc chế biến cam thảo đòi hòi cần làm sạch lá loại quả này trước khi thu hoạch, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hoạt động máy. Điều này dẫn đến đòi hỏi nguồn vốn và nhân sự lớn.
Khi Thư Phương đang đầu về vấn đề thì tình cờ nghe được mẹ chồng nói rằng họ từng cắt lá cam thảo để cho cừu ăn. Câu nói này khiến Thư Phương nảy ra ý tưởng mới: Cô có thể nuôi một đàn cừu. Khi đó đàn cừu vừa có khẩu phần ăn mà cô còn có thể tiết kiệm chi phí lao động trong khâu làm sạch lá cam thảo.
Nghĩ là làm, Thư Phương mang lá cam thảo đến Bắc Kinh để nhờ chuyên môn thẩm định. Cuối cùng, họ kết luận rằng lá cam thảo rất thích hợp để làm thức ăn cho động vật.
Thư Phương thở phào. Cô nhanh chóng mua 5.000 con cừu và nuôi chúng trong chuồng. Khi cam thảo trưởng thành, họ cho cừu vào vườn cam thảo để ăn lá. Cho cừu ăn lá cam thảo không chỉ tiết kiệm khẩu phần ăn cho cừu mà thịt cừu được nuôi bằng lá cam thảo nguyên chất cũng đặc biệt thơm ngon. Thư Phương biết được tình hình thịt cừu của mình nên định giá bán thịt cừu cao hơn thị trường vài nhân dân tệ.
Sau nhiều lần tiếp xúc, Thư Phương cuối cùng đã hợp tác bán thịt cừu được cho một nhà hàng kinh doanh đồ nướng. Chẳng bao lâu sau, uy tín từ thịt cừu chất lượng cao từ nhà hàng này đã thu hút thêm nhiều khách hàng đến với Thư Phương. Điều này mở rộng cơ hội kinh doanh cho Thư Phương. Cô đã dẫn dắt người dân địa phương nuôi cừu, sau đó mang thịt chế biến và bán đi khắp mọi miền đất nước.
Từ trồng cây Xanthoceras sorbifolium và cam thạo cho đến bán thịt cừu, sau 13 năm, thu nhập hàng năm của Thư Phương lên tới 270 triệu NDT/năm (~945 tỷ đồng).
Thư Phương đã hoàn thành mục tiêu ban đầu và và hiện thực hóa mong muốn của cá nhân mình nhờ làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, thành công không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Điều thực sự đáng học hỏi chính là 1 công thức thành công của Thư Phương. Đó là trước khó khăn, Thư Phương kiên quyết giải quyết mà không hề nao núng, thậm chí lần nào cũng thành công biến thách thức thành cơ hội hái ra tiền.
Theo Toutiao