Gói kích thích 1.400 tỷ USD liệu có đủ vực dậy nền kinh tế Trung Quốc?

Trung Quốc đã thông qua gói kích thích trị giá 10.000 tỷ Nhân dân tệ (1.400 tỷ USD), tập trung vào việc giảm gánh nặng nợ cho các chính quyền địa phương.

Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế trị giá 1.400 tỷ USD

Chiều 8/11, Kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 Trung Quốc đã bế mạc sau 5 ngày diễn ra. Yếu tố được thị trường tài chính quan tâm hơn cả, chính là việc giới lập pháp Trung Quốc đã thông qua gói kích thích, với tổng trị giá 10.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD). Con số này khoảng 8% GDP của Trung Quốc và được đánh giá là khá lớn. Trong gói này chia ra làm 2 biện pháp.

Thứ nhất, tăng trần nợ công cho các chính phủ địa phương. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, trần nợ của các chính quyền địa phương sẽ được nâng thêm 6.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 840 tỷ USD), trong vòng 3 năm tới. Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên sử dụng để giải quyết vấn đề nợ ngoài sổ sách của chính quyền địa phương.

Thứ hai, Bắc Kinh cũng sẽ cho phép chính quyền địa phương huy động "trái phiếu địa phương đặc biệt" thêm 4.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 560 tỷ USD) trong 5 năm.

Mục đích của 2 biện pháp này kỳ vọng giảm bớt căng thẳng tài chính của chính quyền địa phương, giúp ổn định tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới.

Ông Lam Phật An - Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết: "Đầu tiên, điều này sẽ giải phóng các nguồn lực ban đầu vốn được sử dụng để giải quyết nợ và thay vào đó sử dụng chúng để thúc đẩy phát triển và cải thiện đời sống của người dân. Thứ hai, điều này sẽ giải phóng không gian chính sách, vốn bị hạn chế bởi áp lực giảm nợ, cho phép hỗ trợ nhiều hơn cho các lĩnh vực như đầu tư, tiêu dùng và đổi mới công nghệ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và điều chỉnh cơ cấu".

Gói kích thích 1.400 tỷ USD liệu có đủ vực dậy nền kinh tế Trung Quốc?- Ảnh 1.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chuyên gia đánh giá về gói kích thích

Nhiều chuyên gia Trung Quốc chờ mong gói kích thích rất lớn này bởi trước mắt giải quyết vấn đề nợ chính quyền địa phương - một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết tại buổi họp báo chiều 8/11, nợ chính quyền địa phương sẽ giảm từ 14.300 tỷ Nhân dân tệ tương đương hơn 2.000 tỷ USD xuống còn khoảng 322 tỷ USD trước năm 2028. Gói kích thích này cũng thể hiện tính cấp bách trong ưu tiên vực dậy tăng trưởng, vực dậy niềm tin tiêu dùng, niềm tin thị trường nhà đất.

Gần đây giá nhà mới tại các thành phố đã tăng trở lại khi các gói kích thích trước đó phát huy. Nhiều ý kiến, đa phần từ các chuyên gia phương Tây cho rằng, một khi mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung khó hạ nhiệt trong bối cảnh hiện nay thì Trung Quốc bơm tiền mạnh vào nền kinh tế, khai thác mạnh tiêu dùng thị trường 1 tỷ 400 triệu dân cũng là cách giảm rủi ro từ yếu tố bên ngoài không thuận lợi.

Thực tế, khi Mỹ lập hàng rào thuế quan thì xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ từ chỗ chiếm 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ còn 15% vào năm ngoái. Châu Âu hiện cũng dùng nhiều rào cản để hạn chế Trung Quốc xuất ô tô điện. Từ đó mà Trung Quốc cũng đẩy mạnh khuyến khích người dân Trung Quốc mua xe ô tô điện bằng hỗ trợ thuế, phí. Có lẽ rất hiếm khi nền kinh tế số 2 thế giới đưa ra nhiều biện pháp kích thích mạnh thị trường trong nước như hiện nay.

Những kỳ vọng về gói kích thích của Trung Quốc

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã liên tục tung ra các gói kích thích như cắt giảm cho vay, nới lỏng yêu cầu dự trữ tiền mặt tại các ngân hàng để thúc đẩy cho vay... Gói chính sách mới nhất chắc hẳn tiếp tục mang đến nhiều kỳ vọng hỗ trợ nền kinh tế.

Các biện pháp kích thích của Chính phủ Trung Quốc được tung ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này dù đã ghi nhận một số tín hiệu cải thiện nhưng vẫn gặp nhiều thách thức. Các chuyên gia đánh giá mặc dù đây là biện pháp rất cần thiết, tuy nhiên trong thời gian tới Trung Quốc vẫn cần thêm những gói kích thích khác nữa, để nền kinh tế số 2 thế giới tăng trưởng bền vững.

Trong những năm gần đây, tình trạng suy yếu của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã làm suy giảm nguồn thu của các chính quyền địa phương tại Trung Quốc, làm tăng nợ và rủi ro cho hệ thống tài chính. Do vậy, gói hỗ trợ này được coi là một bước đi cần thiết để ổn định nền kinh tế Trung Quốc.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc đánh giá: "Trên thực tế con số này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các chính quyền địa phương giảm nhẹ áp lực vì suy giảm nguồn thu. Trong ngắn hạn, nó sẽ giúp chính quyền địa phương có khả năng xử lý tốt hơn các vấn đề về chi thường xuyên cũng như chi phát triển và tìm cách chuyển đổi mục đích đầu tư của các dự án bất động sản trong tương lai".

Gói kích thích 1.400 tỷ USD liệu có đủ vực dậy nền kinh tế Trung Quốc?- Ảnh 2.

Trong những năm gần đây, tình trạng suy yếu của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã làm suy giảm nguồn thu của các chính quyền địa phương tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ này hiện mới chỉ có thể giúp chính quyền các địa phương giải quyết tình thế khó khăn trước mắt về thanh khoản. Bởi cho dù phát hành trái phiếu hay tăng trần nợ, thì trong trung hạn, áp lực trả nợ vẫn sẽ phải do địa phương gánh vác.

Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc vẫn cần thêm các biện pháp kích thích mang tính bền vững hơn, có thể thay đổi tình hình tài chính của các chính quyền địa phương.

"Trước hết là các loại công cụ về trái phiếu có thể chuyển các khoản nợ của chính quyền địa phương sang bảng cân đối tài chính của chính quyền trung ương, bởi vì trung ương có khả năng trả nợ tốt hơn. Thứ hai là phải thay đổi cấu trúc nguồn thu tài chính, nguồn thu thuế sao cho tài khóa của địa phương mang tính bền vững hơn, phần thu từ đất sẽ không phải là nguồn thu chính của họ, có thể tăng nguồn thu từ các loại thuế khác như thuế bất động sản, thuế tài sản", Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc nhận định.

Các chuyên gia cũng dự báo, sau khi các chính quyền địa phương được giảm bớt gánh nặng nợ hiện tại, Trung Quốc sẽ có điều kiện thực hiện tốt hơn các biện pháp kích thích tài khóa. Dù sẽ mất thời gian, nhưng động thái kích thích tài khóa của năm tới được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn đáng kể.

Theo Bloomberg, sau gói kích thích này, giới đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến tháng 12, khi giới lãnh đạo Trung Quốc có các cuộc thảo luận quan trọng về tình hình kinh tế. Các quan chức Trung Quốc sẽ có thêm thời gian để cân nhắc các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, cũng như nắm rõ hơn về lập trường thuế quan của chính phủ mới tại Mỹ.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/goi-kich-thich-1400-ty-usd-lieu-co-du-vuc-day-nen-kinh-te-trung-quoc-a138323.html