Tổng công ty Xây dựng Hà Nội kinh doanh ra sao trước quyết định thanh tra của Bộ Tài chính?

Thanh tra Bộ Tài chính sẽ thanh tra Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP cùng 3 công ty con và các đơn vị hạch toán phụ thuộc. Nội dung thanh tra tập trung vào việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản doanh nghiệp, việc hạch toán doanh thu, chi phí...

Thanh tra Bộ Tài chính vừa ra quyết định thanh tra tài chính tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp, mã HAN, sàn UPCoM).

Theo quyết định, cơ quan thanh tra sẽ thực hiện thanh tra với công ty mẹ, các đơn vị hạch toán phụ thuộc và 3 đơn vị thành viên: CTCP dịch vụ đô thị Hancorp, CTCP xây dựng số 1 Hà Nội, CTCP đầu tư và thương mại Hancorp 1.

Nội dung thanh tra tập trung vào việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản doanh nghiệp, việc hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.

Thời kỳ thanh tra trong năm 2023. Thời hạn thanh tra 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội kinh doanh ra sao trước quyết định thanh tra của Bộ Tài chính?- Ảnh 1.

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP trực thuộc Bộ Xây dựng

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP là một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập năm 1995 và được cổ phần hóa từ năm 2014.

Ngoài công ty mẹ, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP hiện có 7 công ty con: CTCP xây dựng số 1 Hà Nội, CTCP đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ, CTCP thiết bị và vật liệu xây dựng Hancorp, Công ty TNHH MTV Hancorp 3, Công ty TNHH MTV Han tech, CTCP đầu tư thương mại Hancorp 1 Hà Nội và CTCP dịch vụ đô thị Hancorp.

Tại ngày 30/9/2024, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP có vốn điều lệ khoảng 1.410 tỷ đồng. Bộ Xây dựng vẫn nắm 98,83% vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP. Chỉ có 1,17% vốn góp của đối tượng khác.

Lĩnh vực hoạt động chính của tổng công ty là xây dựng nhà, xây dựng công trình đường sắt, đường bộ, công trình công ích, lắp đặt hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất, quản lý vận hành chung cư…

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hancorp ghi nhận doanh thu thuần 1.523 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Đáng nói, tính riêng trong quý III/2024, gần như toàn bộ doanh thu đến từ hợp đồng xây lắp, trong khi mảng bất động sản và cung cấp vật tư "trắng" doanh thu. 

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm ở mức 48 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng tài sản doanh nghiệp ớ mức 6.486 tỷ đồng, giảm khoảng 285 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm khoảng 440 tỷ đồng chỉ còn gần 160 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gần 53 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 6,4% còn 2.919,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng nhẹ lên 1.788 tỷ đồng, phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang phát sinh gần 1,6 tỷ đồng chi phí sửa chữa trụ sở VP số 57 Quang Trung. 

Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP đang có 15 công ty liên kết đồng thời đầu tư góp vốn vào 17 công ty khác.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả ở mức 4.868 tỷ đồng, giảm khoảng 285 tỷ đồng so với đầu năm. Vay nợ tài chính toàn bộ là vay ngắn hạn gần 775 tỷ đồng, với khoảng 600 tỷ đồng vay tại BIDV. 

Hancorp có 1.117 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn; 697 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn. Bên cạnh đó là 273 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, chủ yếu đến từ nhận tiền trước cho thuê trung tâm thương mại 3 tầng dự án tổ hợp chung cư 28 tầng Làng quốc tế Thăng Long theo hợp đồng có thời hạn 50 năm. 


Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/tong-cong-ty-xay-dung-ha-noi-kinh-doanh-ra-sao-truoc-quyet-dinh-thanh-tra-cua-bo-tai-chinh-a138136.html