Cứu bé trai bị suy hô hấp tuần hoàn vì hơn 100 con giun đũa làm hoại tử ruột

Ngày 2/11, các y bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, cho biết, Bệnh viện vừa nỗ lực lấy búi giun đũa với hơn 100 con trong ruột bệnh nhi 2,5 tuổi bị suy hô hấp tuần hoàn, kịp thời cứu bé qua cơn nguy kịch.

Theo đó, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Hiền Nhân, khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, bé trai 2,5 tuổi được chuyển đến viện trong tình trạng sốc nặng, suy hô hấp tuần hoàn và đặt nội khí quản. Sau khi thăm khám, bệnh nhi được phẫu thuật khẩn với chẩn đoán tắc ruột, sốc nhiễm trùng, theo Tin tức.

Cứu bé trai bị suy hô hấp tuần hoàn vì hơn 100 con giun đũa làm hoại tử ruột- Ảnh 1.

Hơn 100 con giun đũa lớn, nhỏ được các bác sĩ lấy ra trong ruột non của bé trai. Ảnh: BV

Qua ghi nhận bệnh sử, bệnh nhi là người đồng bào vùng cao vừa đến Bình Dương sinh sống. Trước đó, bé bệnh ở nhà hai ngày, sốt, tiêu phân lỏng và nhập viện tại bệnh viện tỉnh. Bệnh nhi được điều trị 2 ngày nhưng không thuyên giảm, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.

“Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện toàn bộ chiều dài ruột non chứa giun đũa lớn, nhỏ hơn 100 con. Ngoài ra, một đoạn ruột non khoảng 70cm bị xoắn hoại tử đã được cắt bỏ, khâu nối. Khó khăn nhất là kíp mổ phải xẻ ruột non nhiều nơi mới có thể lấy hết giun đũa trong lòng ruột ra ngoài”, bác sĩ Hiền Nhân cho biết thêm.

Bốn ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, ăn uống lại hoàn toàn. Gia đình bệnh nhi đã được bác sĩ hướng dẫn về việc xổ giun định kỳ.

Cứu bé trai bị suy hô hấp tuần hoàn vì hơn 100 con giun đũa làm hoại tử ruột- Ảnh 2.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết, giun đũa là loại ký sinh trùng phổ biến, thường xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 2 - 10 tuổi, sống trong môi trường kém vệ sinh, có khi hậu nóng ẩm. Nguyên nhân hầu hết do trẻ em có thói quen cầm nắm, ăn uống mà không vệ sinh tay kỹ, hoặc tiếp xúc với đất cát chứa trứng giun. Sau khi vào cơ thể, trứng giun nở thành ấu trùng, phát triển thành giun trưởng thành.

Khi giun tập trung lại với số lượng lớn, chúng có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lưu thông bình thường của đường ruột. Biểu hiện nhẹ hơn có thể nhận thấy là suy dinh dưỡng, đau bụng. 

Các dấu hiệu thường gặp bao gồm: đau bụng dữ dội, nôn mửa, đặc biệt là nôn ra dịch màu xanh vàng hoặc nôn ra giun; bụng chướng, bí trung tiện, bí đại tiện; trẻ có thể quấy khóc, bỏ ăn, mệt mỏi và sốt. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm.

Việc phát hiện chậm trễ, búi giun có thể dẫn đến tắc ruột hoàn toàn, làm giãn và hoại tử đoạn ruột bị tắc, gây ra nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại hậu quả lâu dài nếu không được điều trị kịp thời, theo Thanh niên.

Nếu trẻ có triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc tẩy giun để loại bỏ ký sinh trùng, kèm theo đó là các biện pháp hỗ trợ như giảm đau, truyền dịch và thuốc chống nôn để hỗ trợ đào thải giun ra ngoài.

Trong những trường hợp tắc ruột do búi giun nghiêm trọng, đặc biệt khi có nguy cơ hoại tử ruột, bệnh nhi cần được phẫu thuật để loại bỏ búi giun và làm sạch đoạn ruột bị tắc. Phẫu thuật được coi là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh tình đã diễn tiến nặng.

Để phòng bệnh giun đũa và các biến chứng liên quan, bác sĩ Thạch nhấn mạnh:
•Tẩy giun định kỳ: Trẻ nên được tẩy giun mỗi 6 tháng.
•Vệ sinh cá nhân: Gia đình và nhà trường nên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi chơi, đặc biệt khi tiếp xúc với đất.
•Vệ sinh thực phẩm: Đảm bảo thực phẩm cho trẻ ăn đã được nấu chín kỹ, uống nước sạch, hạn chế các nguồn thức ăn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Khánh Linh (t/h)

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/cuu-be-trai-bi-suy-ho-hap-tuan-hoan-vi-hon-100-con-giun-dua-lam-hoai-tu-ruot-a136995.html