Đại tướng Phan Văn Giang: Sĩ quan nữ cấp tướng trong quân đội rất hiếm

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, sĩ quan nữ có cấp bậc quân hàm cấp tướng trong quân đội rất hiếm hoi, thời kỳ cao nhất đến nay mới chỉ có 3 người, tất cả đều công tác trong lĩnh vực khoa học, không phải trong lĩnh vực chiến đấu.

Chiều 28/10, tại phiên thảo luận ở tổ, Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Phan Văn Giang: Sĩ quan nữ cấp tướng trong quân đội rất hiếm- Ảnh 1.

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Như Ý)

Theo Bộ trưởng, vấn đề này được sửa đổi để sĩ quan được hưởng mức lương hưu tối đa 75% theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Cụ thể, để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, lao động nam phải có đủ 35 năm, lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội băn khoăn khi có sự chênh lệch tương đối lớn giữa độ tuổi tại ngũ của sĩ quan quân đội với độ tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ Luật Lao động. Cụ thể, cấp úy còn chênh 12 năm, Thiếu tá chênh 10 năm, Trung tá chênh 8 năm.

Do vậy, đại biểu đề nghị có khoảng mở rộng hơn để Bộ Quốc phòng xử lý trong một số lĩnh vực cần thiết có thể kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ một cách hợp lý.

Đại tướng Phan Văn Giang lý giải, với cấp úy nhập ngũ năm 18 tuổi, hết tuổi phục vụ tại ngũ là 50 thì mới đóng bảo hiểm xã hội được 32 năm. Đến khi nghỉ hưu thì được 33 năm, còn thiếu 2 năm mới đạt mức lương hưu tối đa.

Nhưng theo ông Giang, trong quân đội hầu như không có trường hợp nghỉ hưu ở cấp úy. Có những trường hợp bất đắc dĩ lắm mới nghỉ hưu ở đại úy.

Còn tuổi phục vụ tại ngũ của thiếu tá, quy định hiện hành là 48, dự thảo luật đề nghị tăng lên 52. Như vậy, thiếu tá có 34 năm phục vụ trong quân đội, nghỉ chờ 1 năm là đủ 35 năm.

Sĩ quan nữ cấp tướng trong quân đội rất hiếm hoi

Cũng tại phiên thảo luận, có đại biểu đề nghị nâng độ tuổi tại ngũ của sĩ quan cấp tướng, vì đây là cấp tinh hoa của quân đội và của đất nước.

Giải trình vấn đề này, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng bàn bạc nhiều về vấn đề này. Tuy cấp tướng đúng là tinh hoa, nhưng có những đại tá cũng tinh hoa không kém.

Do vậy, nếu nâng tuổi phục vụ tại ngũ của cấp tướng lên 62 thì cấp Đại tá không còn đủ tuổi lên tướng.

Do đặc thù công tác trong quân đội, nên những người giữ chức vụ tương đương với khu vực dân sự bao giờ tuổi cũng cao hơn, vì để đạt được chức vụ ấy, sĩ quan trong quân đội phải kinh qua nhiều vị trí hơn.

Hơn nữa, lao động trong quân đội là lao động đặc biệt. Sĩ quan đến 40, 45 tuổi mỗi năm vẫn phải hành quân bộ cùng bộ đội hơn 300km, mỗi đợt hành quân như vậy phải hành quân bộ 25-27 km mỗi ngày. Đó là chế độ rèn luyện bắt buộc để sẵn sàng phục vụ khi có chiến tranh xảy ra.

Do vậy, độ tuổi phục vụ trong quân đội khác với độ tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động, cũng khác với độ tuổi phục vụ trong công an.

Cũng theo Đại tướng Phan Văn Giang, sĩ quan nữ có cấp bậc quân hàm cấp tướng trong quân đội rất hiếm hoi, thời kỳ cao nhất đến nay mới chỉ có 3 người, tất cả đều công tác trong lĩnh vực khoa học, không phải trong lĩnh vực chiến đấu.

Do vậy, ông bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ để nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan nữ cấp tướng lên tương đương với sĩ quan nam.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/dai-tuong-phan-van-giang-si-quan-nu-cap-tuong-trong-quan-doi-rat-hiem-a136065.html