Lộ diện "Trái Đất thu nhỏ" cách chúng ta chỉ 6 năm ánh sáng

Hành tinh Barnard b chỉ nặng bằng 37% khối lượng Trái Đất và được mô tả là một kho báu thiên văn hiếm có.

Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Jonay González Hernández từ Viện Vật lý thiên văn Canarias (Tây Ban Nha) đã xác định được một "Trái Đất thu nhỏ" quay quanh ngôi sao đơn lẻ gần Mặt Trời nhất, tên là Barnard.

Barnard là một sao lùn đỏ đã 10 tỉ năm tuổi và hành tinh mới nói trên -được đặt tên là Barnard b - quay quanh Barnard với khoảng cách chỉ bằng 1/20 khoảng cách Mặt Trời - Sao Thủy.

Lộ diện "Trái Đất thu nhỏ" cách chúng ta chỉ 6 năm ánh sáng- Ảnh 1.

"Trái Đất thu nhỏ" Barnard b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ cách chúng ta chưa đầy 6 năm ánh sáng - Ảnh: ESO

Với khối lượng chỉ bằng 37% khối lượng Trái Đất và khoảng một nửa Sao Kim, Barnard b là ngoại hành tinh nhỏ nhất mà nhân loại từng xác định được.

Vì là một hành tinh đá nên các nhà khoa học mô tả Barnard b như một "Trái Đất thu nhỏ".

Chính khối lượng và kích thước khiêm tốn đã biến Barnard b thành một kho báu thiên văn hiếm có.

Khoảng cách giữa các hệ sao là rất xa xôi, vì vậy cho dù nhân loại đã có những phương tiện quan sát vượt trội, việc tìm kiếm các hành tinh bé nhỏ quanh các ngôi sao khác là điều vô cùng khó khăn. Ngay cả việc tìm kiếm các hành tinh đá to cỡ Trái Đất đã là thử thách lớn. Hầu hết các ngoại hành tinh từng được biết đến là các thế giới khí khổng lồ.

Vì vậy, Barnard b là một cơ hội tuyệt vời để các nhà khoa học nghiên cứu về cách các hành tinh đá bé nhỏ hình thành và tiến hóa. Hệ sao nơi nó trú ngụ chỉ cách Trái Đất 5,96 năm ánh sáng, do vậy việc nghiên cứu sẽ khá thuận lợi.

Lộ diện "Trái Đất thu nhỏ" cách chúng ta chỉ 6 năm ánh sáng- Ảnh 2.

Sơ đồ cho thấy vị trí của các ngôi sao gần nhất quanh Mặt Trời (Sun), bao gồm Barnard, vốn chỉ xa hơn cặp sao Alpha Centauri A&B - Ảnh: IEEC

Để tìm thấy "Trái Đất thu nhỏ" này, các nhà nghiên cứu đã phải sàng lọc dữ liệu từ 5 năm quan sát của thiết bị ESPRESSO trên Kính thiên văn Very Large (VLT) thuộc sở hữu của Đài quan sát Nam Âu (ESO), được đặt tại Đài quan sát Paranal ở Chile.

Tuy sẽ nghiên cứu sâu hơn về Barnard b, các tác giả không mong đợi sẽ tìm thấy sự sống ở đó.

Hành tinh này gần sao mẹ đến nỗi chỉ mất 3,15 ngày để quay hết một vòng quanh sao mẹ. Vì vậy bất chấp ngôi sao lùn đỏ Barnard mát hơn Mặt Trời tới 2.500 độ C, nhiệt độ trên Barnard b vẫn sẽ quá nóng để giữ được nước ở trạng thái lỏng.

Ngoài Barnard b, các nhà khoa học cũng xác định được dấu hiệu nghi ngờ về 3 ngoại hành tinh khác quay quanh ngôi sao lùn đỏ này.

Nghiên cứu về "Trái Đất thu nhỏ" vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/lo-dien-trai-dat-thu-nho-cach-chung-ta-chi-6-nam-anh-sang-a131487.html