Một sản phẩm Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế suất chống bán phá giá 290%

Doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương để được hỗ trợ.

Một sản phẩm Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế suất chống bán phá giá 290%- Ảnh 1.

Hồi cuối tháng 9, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo kết luận cuối cùng vụ việc rà soát cuối kỳ lần thứ nhất lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm túi dệt (Laminated Woven Sacks) nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, ngày 4/6/2019, DOC đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với túi dệt từ Việt Nam. Kế đó, ngày 1/5/2024, DOC đã khởi xướng cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ nhất nêu trên.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm bị điều tra là sản phẩm túi dệt (Laminated Woven Sacks) nhập khẩu từ Việt Nam có mã HS 6305.33.0040, 3917.39.0050, 3921.90.1100, 3921.90.1500, 3923.21.0080, 3923.21.0095, 3923.29.0000, 4601.99.0500, 4601.99.9000, 4602.90.0000, và 5903.90.2500. Mã vụ việc: A-552-823, C-552-824.

Trong vụ việc này, DOC đã tiến hành thủ tục rà soát cuối kỳ nhanh (expedited sunset review) diễn ra trong vòng 120 ngày do không nhận được phản hồi hoặc trả lời của các doanh nghiệp bị đơn có liên quan.

Kết luận cũng nêu rõ: DOC cho rằng việc ngừng áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm túi dệt nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá với biên độ bình quân gia quyền ở mức 292,61% và biên độ chống trợ cấp ở mức 3,02% (ngoại trừ một công ty không hợp tác bị áp mức thuế chống trợ cấp 198,87%).

Một sản phẩm Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế suất chống bán phá giá 290%- Ảnh 2.

Doanh nghiệp sản xuất LWS cần đề nghị rà soát, nếu không sẽ chịu mức thuế lên đến 292,61%.

Theo đó, DOC sẽ tiếp tục duy trì lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với túi dệt từ Việt Nam thêm 5 năm nữa.

Bởi vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) muốn xuất khẩu sản phẩm trên vào Hoa Kỳ cần liên hệ với DOC để đề nghị rà soát nhà xuất khẩu mới, nếu không sẽ phải chịu mức thuế chung chống bán phá giá là 292,61% và chống trợ cấp là 3,02%.

Ngoài ra, các công ty khác đã từng xuất khẩu vào Hoa Kỳ và đang chịu mức thuế hiện hành có thể đề nghị DOC rà soát hành chính để thay đổi mức thuế hàng năm.

Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương để được hỗ trợ kịp thời.

Trong thông cáo đăng trên website của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) ngày 1/5/2019, USITC cho rằng “ngành công nghiệp của Hoa Kỳ bị thiệt hại đáng kể do nhập khẩu bao dệt nhiều lớp từ Việt Nam mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định là được trợ cấp và bán tại Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị hợp lý”.

Khi đó, theo kết quả của các phiếu thuận của USITC, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành lệnh chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam này.

Hoa Kỳ nhập LWS từ nhiều nước

Theo định nghĩa trong thông cáo trên, bao dệt nhiều lớp (LWS) là loại bao gồm một hoặc nhiều lớp vải dệt từ dải polypropylene và/hoặc dải polyethylene được cán mỏng hoặc liên kết với một lớp màng nhựa bên ngoài như polypropylene định hướng hai trục (BOPP), polyester (PET), polyethylene (PE), nylon hoặc bất kỳ loại màng nào phù hợp để in hoặc với một lớp giấy bên ngoài.

Lớp bên ngoài được in ba màu trở lên. LWS được bán và sử dụng chủ yếu làm bao bì cho các sản phẩm bán lẻ như thức ăn cho vật nuôi (thức ăn chăn nuôi).

Một sản phẩm Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế suất chống bán phá giá 290%- Ảnh 3.

LWS được bán và sử dụng chủ yếu làm bao bì cho các sản phẩm bán lẻ như thức ăn cho vật nuôi.

Theo số liệu năm 2017, số lượng nhà sản xuất Hoa Kỳ mặt hàng này là 10; đặt tại Alabama, Georgia, Kansas, Kentucky, Louisiana, South Carolina, Tennessee, Texas và Wisconsin. Công nhân sản xuất và liên quan: 733.

Lượng hàng hóa xuất khẩu của nhà sản xuất Hoa Kỳ cho LWS là 172,5 triệu USD. Mức tiêu thụ của Hoa Kỳ là 313,8 triệu USD.

Tỷ lệ nhập khẩu so với mức tiêu thụ rõ của Hoa Kỳ là 31,8%.

Cũng số liệu năm 2017, nước này nhập khẩu 99,9 triệu USD mặt hàng này từ Việt Nam, Honduras, Hàn Quốc, Colombia, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan.

Theo định nghĩa của Investopedia, thuế chống bán phá giá thường được áp dụng khi một công ty nước ngoài bán một mặt hàng với giá thấp hơn đáng kể so với giá sản xuất. Mặc dù mục đích của thuế chống bán phá giá là để giữ việc làm trong nước nhưng mức thuế này cũng có thể dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng trong nước.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/mot-san-pham-viet-nam-bi-phia-my-ap-thue-suat-chong-ban-pha-gia-290-a131272.html