Bán lẻ tích cực mở rộng mạng lưới bất chấp sức mua hồi phục chậm

Admin

8 tháng đầu năm 2024, dù tốc độ phục hồi không quá nhanh, thị trường bán lẻ Việt vẫn khá sôi động với cuộc đua mở rộng mặt bằng của các đại gia trong và ngoài nước.

Bán lẻ tích cực mở rộng mạng lưới bất chấp sức mua hồi phục chậm - Ảnh 1.

Người tiêu dùng luôn tham khảo các cửa hàng khác nhau để so sánh giá cả và tìm kiếm các ưu đãi, trước khi quyết định mua sắm - Ảnh: N.BÌNH

Ngày cuối tuần, rất đông người dân TP.HCM đổ về AEON Tạ Quang Bửu (quận 8) - siêu thị vừa được đại gia bán lẻ Nhật Bản AEON khai trương hồi giữa tuần - để mua sắm và tận hưởng không khí thư giãn, ăn uống. 

Đua mở mới

Chị Thu Tuyết cho biết đã chuyển về chung cư khu vực này ba năm và bây giờ chị có thể thoải mái mua sắm, đi chợ hằng ngày với siêu thị ngay trong khu dân cư. Trong vòng một tháng qua, địa bàn này có thêm hai trung tâm mua sắm mới.

Trước đó, Saigon Co.op chính thức đưa vào hoạt động Co.opmart Phạm Thế Hiển (quận 8), đánh dấu siêu thị thứ 44 của hệ thống này. Siêu thị được vận hành theo mô hình Co.opmart tinh gọn cả về diện tích lẫn ngành hàng kinh doanh, mang lại những trải nghiệm mua sắm thuận tiện, thân thiện cho khách hàng.

Ông Furusawa Yasuyuki, tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết siêu thị AEON phát triển theo mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị nằm bên ngoài trung tâm mua sắm AEON. Đây là mô hình mới nhằm "thích ứng và linh hoạt" của nhà bán lẻ Nhật Bản kể từ sau dịch.

"Hệ thống vẫn đang tích cực mở rộng mạng mới, đa dạng hóa các loại hình bán lẻ. Ngoài trung tâm mua sắm, AEON còn hợp tác với đối tác kinh doanh và mở thêm nhiều mô hình, quy mô khác nhau phù hợp với từng địa phương", ông Yasuyuki nói thêm.

Không chỉ Hà Nội hay TP.HCM, AEON đã mở rộng ra Đà Nẵng, Hải Phòng và gần nhất là Huế, với mô hình mua sắm phù hợp với người dân. Theo đó, tìm kiếm cơ hội để phát triển mạng lưới, mở mới càng nhiều càng tốt để tăng điểm tiếp xúc và kết nối trực tiếp với khách hàng.

Song song đó, kết hợp phát triển thương mại điện tử và có chiến lược sản phẩm phù hợp, hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp địa phương.

Ông Nguyễn Anh Đức, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho biết trong bối cảnh thị trường bán lẻ có dấu hiệu chững lại vì sức mua, việc mở rộng mạng lưới sẽ có phần dè dặt, đặc biệt điểm bán quy mô lớn.

Tuy vậy, với đặc trưng phụ thuộc vào tính chu kỳ của nền kinh tế, 8 tháng đầu năm 2024, dù tốc độ phục hồi không quá nhanh, thị trường bán lẻ bước đầu dần có những tín hiệu khả quan.

Cạnh tranh khuyến mãi dẫn dắt thị trường

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm 2024 tăng 5,78% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 2,68%. Tỉ lệ doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu tương đương hoặc cao hơn đạt 74,6%, trong khi 66,3% số doanh nghiệp duy trì và cải thiện lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp ghi nhận hiệu quả kinh doanh bằng hoặc vượt năm 2023 chiếm đa số nhưng mức tăng hầu như chỉ nhích nhẹ ở mức khiêm tốn, và vẫn còn 25,4% số doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, hơn một phần ba số doanh nghiệp có lợi nhuận kém hơn.

Theo báo cáo của Vietnam Report đưa ra dịp công bố danh sách Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2024, bất chấp việc vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống, bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong những tháng tiếp theo, trên cơ sở ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, cũng như xu hướng nhộn nhịp hơn trong thời gian cao điểm cuối năm của thị trường này.

Trải qua giai đoạn biến động và những khó khăn kinh tế, người tiêu dùng hiện trở nên thận trọng hơn trong vấn đề chi tiêu và tăng độ nhạy cảm về giá. 

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các chương trình ưu đãi, khuyến mại và chương trình khách hàng thân thiết hấp dẫn đã vươn lên vị trí thứ hai trong top 6 ưu tiên của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua hàng.

87,1% người tiêu dùng cho biết luôn tham khảo các cửa hàng khác nhau để so sánh giá cả và tìm kiếm các ưu đãi trước khi quyết định mua sắm. 

Mặc dù nhạy cảm về giá, người tiêu dùng không sẵn sàng đánh đổi chất lượng, mà đang tìm cách cân bằng, trở nên lý trí hơn trong việc ra quyết định, ưu tiên những sản phẩm có chất lượng cao và mang lại giá trị lâu dài, "săn" các sản phẩm vào các chương trình khuyến mại để tiết kiệm.

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và định hình lại thị trường. Trong dài hạn, cuộc cạnh tranh này sẽ góp phần làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, có chiến lược kinh doanh hiệu quả và linh hoạt hơn gia tăng thị phần, củng cố vị thế.

 - Ảnh 1.Bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh nhưng vẫn còn tụt hậu

Trong 10 năm qua, quy mô bán lẻ hiện đại của Việt Nam tăng gấp 10 lần, từ 2,6 tỉ USD lên 26 tỉ USD. Tuy vậy, thị phần bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 22% tổng thị phần, tỉ lệ này ở Singapore là 90%, Thái Lan là 65%, Malaysia là 40%.